Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2011

LÝ SƠN KHÔNG CHỈ TỎI

Ngay khi tôi quyết định đi Lý Sơn thì đồng nghiệp rất thân, nhà thơ Phạm Đương, tức nhà báo Trần Đăng, thổ công Quảng Ngãi- Lý Sơn, chiêu đãi tôi hai tin nóng sốt. Một là khi tôi xuống đến nơi thì anh đã ngồi trên máy bay để bay ra giàn khoan dầu khí ở Vũng Tàu. Tôi gọi đùa đây là một cú trốn ông anh ngoạn mục. Và hai là hôm sau báo Lao Động đăng cái phóng sự của anh về ông Mai Phụng Lưu. Ông Mai Phụng Lưu, người "được" Trung Quốc bắt đến... bốn lần khi ra Hoàng Sa và Trường Sa đánh cá, mỗi lần bị bắt là bị tịch thu tàu thuyền ngư cụ khiến ông tán gia bại sản, và nhờ thế mà ông "nổi tiếng", đến nỗi cái tên ông khi tra Google nó nổi tiếng xấp xỉ cái tên Lý Sơn là nơi ông sống. Thổ công Trần Đăng mà đã viết thì còn gì mà thêm về con người quá ư "nổi tiếng" này nữa 


LÝ SƠN KHÔNG CHỈ TỎI
Ghi chép của Văn Công Hùng
          Cú điện thoại lúc nửa đêm của nhà báo Mai Thanh Hải khiến tôi tỉnh ngủ hẳn. Đại loại là Hải đang trên tàu vào Quảng Ngãi để ra đảo Lý Sơn, hỏi tôi có mê thì nhập bọn. Trời ơi, Lý Sơn mà không mê thì mê cái gì, biển đảo lại đang dậy sóng, hôm qua ngư dân ta lại mới bị tàu Trung Quốc bắt, rồi trước đó, trước đó nữa, lại thêm âm hưởng của "Lý Sơn mùa tỏi" nữa, không chần chừ tôi quyết ngay tắp lự: Tớ đang rất bận, nhưng quyết sẽ đi, sáng mai tớ gọi lại. Và thế là trưa sau tôi đã thu lu xe đò Pleiku- Quy Nhơn, để rồi lại xe đò Quy Nhơn- Quảng Ngãi đúng lúc học sinh đang đi thi, nhà xe nhồi người như nhồi... mắm, để chỉ sáng hôm sau đã bồi hồi Lý Sơn.
          Tỏi Lý Sơn nổi tiếng nhờ mấy yếu tố, một là nhà văn Nguyễn Thành Long và nhà thơ Thanh Thảo, hai văn nhân này đã ca ngợi tỏi Lý Sơn bằng sự thăng hoa chữ nghĩa để nó găm vào bạn đọc, để tỏi chuyển hóa từ lượng thành chất, từ vật chất thành... hương hoa, và hai là do... chính nó. Tôi đọc đâu đó người ta quảng cáo về tỏi Lý Sơn như sau: Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) từ lâu được mệnh danh là vương quốc tỏi. Toàn đảo có diện tích trồng tỏi là 300 ha, hàng năm đưa ra thị trường khoảng 2.000 tấn tỏi khô. Tỏi Lý Sơn là cây trồng truyền thống ở đây, có vị thơm dịu và nhiều tác dụng chữa bệnh. Hàm lượng các chất có trong tỏi gồm i ốt, Selen, Giecmani, Vitamin B1, B2, C, E, anxilin... có tác dụng đề kháng cơ thể, chữa các bệnh như: Giảm cholesterol máu, trị bệnh cao huyết áp, giảm nguy cơ ung thư, phòng chống các bệnh tim mạch, làm suy giảm viêm đau khớp, phòng tránh các bệnh rối loạn tiêu hóa, tăng cường hệ miễn dịch, chữa viêm khí quản mãn tính, chữa phong thấp và đau thần kinh... Chả thế mà gần đây có tin là tư thương đã chở tỏi nơi khác ra Lý Sơn đóng gói rồi bán với giá tỏi Lý Sơn, chả thế mà mấy ngày ở Lý Sơn, vào bất cứ quán ăn nào, kể cả quán phở, xe bánh mì thì cái đập vào mắt thực khách đầu tiên là đĩa... tỏi. Trong lúc chờ bưng thức ăn lên, thực khách bóc tỏi chấm nước mắm ăn giống như người miền Trung ăn bánh tráng, người Bắc ăn lạc trước khi ăn cơm, chả thế mà nhiều người rất mê món rượu tỏi, nghe nói nó tăng đủ thứ và cũng giảm đủ thứ, bách bệnh đều tốt...
          Nhưng đấy là mặt trước của tỏi, chứ đời tỏi thăng trầm cơ cực hơn nhiều. Và Lý Sơn cũng không chỉ tỏi.

          Khi ra đến đảo, việc đầu tiên là mấy anh em rủ nhau tắm biển với suy nghĩ là biển ngoài này còn nguyên chất, chưa bị ô nhiễm. Ôm quần áo ra đến nơi thì đành... đứng nhìn vì biển lổn nhổn đá, không có tẹo cát nào, không thể tắm bởi nếu không bị rách chân khi giẫm trên đá thì khi sóng đánh chân và cả người cũng sẽ đụng cồm cộp vào đá, và chắc chắn là da thịt người không cứng bằng đá. Kết luận đầu tiên: Biển Lý Sơn không có cát. Điều này cũng không lạ, cũng giống như biển ở phía bắc và ở Cà Mau rất nhiều bùn, lội xuống biển mà như lội xuống... ao. Thế nhưng té ra không phải thế. Lý Sơn nằm trong hệ thống biển miền Trung, nước đậm màu mực Cửu long, veo véo trong và thoải ra khá xa. Nó không có cát không phải là do không có cát mà là bởi nó đã hy sinh cát cho tỏi. Hàng trăm năm nay người dân Lý Sơn đã moi cát biển lên trồng tỏi. Người ta bảo cây gì con gì sống trong điều kiện khắc nghiệt thì nó càng ngon, càng quý, con gì cây gì nuôi nhốt trồng sung sướng thì nó béo bệu nhão nhệch không ngon là rất đúng. Tỏi ở Lý Sơn được trồng bởi chính những hạt cát trắng tinh chát mặn lấp lánh thủy tinh xúc lên từ biển. Người ta xúc ngày này năm khác đến nỗi bây giờ trong bờ còn trơ đá, đến nỗi bây giờ muốn lấy cát biển, tàu hút phải đậu ở tít ngoài xa, hút lên thuyền rồi chở vào bờ bán cho người trồng tỏi. Cát ấy được trộn với đất đỏ lấy trên miệng núi lửa ngay trên đảo và rong biển Lý Sơn thành đất trồng tỏi. Đi trên đường Lý Sơn thấy lổn nhổn những đống cát đống rêu như thế. Hai năm một lần người ta lại phải thay đất. Không tưới, không có nước đâu mà tưới, đặc biệt là ở đảo bé, là đảo trong đảo, giờ là xã An Bình, cách đảo lớn tức xã An Hải gần một giờ tàu chạy. Đảo này không có một tẹo nước ngọt nào, người ta hoàn toàn nhờ vào trời để trồng hành tỏi, còn nước uống thì nhà nào cũng có một cái bể to đùng và dăm bảy cái lu cũng to đùng để hứng và chứa nước mưa, khi hết thì có tàu chở nước đến bán với giá hai trăm ngàn đồng một mét khối. Khi tắm thì ra biển, kỳ cọ thoải mái xong rồi vào lấy khăn lau người. Ưu tiên phụ nữ thì cũng là ra biển tắm trước, sau đó vào tráng qua vài ca nước ngọt. Cây tỏi cứ thế oặt oẹo lớn, lá héo quắt héo rũ dưới nắng, thân tóp hết cỡ để giữ nước, bao nhiêu tinh hoa, bao nhiêu khốn khổ, bao nhiêu nhọc nhằn, bao nhiêu khô khát cơ cực... dồn hết vào củ tỏi, làm nên thương hiệu tỏi Lý Sơn.

          Ngay khi tôi quyết định đi Lý Sơn thì đồng nghiệp rất thân, nhà thơ Phạm Đương, tức nhà báo Trần Đăng, thổ công Quảng Ngãi- Lý Sơn, chiêu đãi tôi hai tin nóng sốt. Một là khi tôi xuống đến nơi thì anh đã ngồi trên máy bay để bay ra giàn khoan dầu khí ở Vũng Tàu. Tôi gọi đùa đây là một cú trốn ông anh ngoạn mục. Và hai là hôm sau báo Lao Động đăng cái phóng sự của anh về ông Mai Phụng Lưu. Ông Mai Phụng Lưu, người "được" Trung Quốc bắt đến... bốn lần khi ra Hoàng Sa và Trường Sa đánh cá, mỗi lần bị bắt là bị tịch thu tàu thuyền ngư cụ khiến ông tán gia bại sản, và nhờ thế mà ông "nổi tiếng", đến nỗi cái tên ông khi tra Google nó nổi tiếng xấp xỉ cái tên Lý Sơn là nơi ông sống. Thổ công Trần Đăng mà đã viết thì còn gì mà thêm về con người quá ư "nổi tiếng" này nữa. Thế nên tôi đã bỏ ý định từ đất liền là đến nhà Mai Phụng Lưu mà xách máy ảnh lòng vòng ra biển. Và tôi phát hiện ra nỗi thăm thẳm buồn của những đôi mắt phụ nữ Lý Sơn khi rum ống kính để chụp. Đấy là những đôi mắt rất lạ, in hằn nỗi khắc khoải, hoang mang, mà lại nhẫn nại, chịu đựng. Nó mang mang một nỗi gì rất khó tả nhưng lại cũng rất hiện thực, rất đẹp. Thế là tôi nhờ Mai Thanh Hải, người có máy ảnh và cả tay nghề xịn hơn tôi, bỏ ra nguyên buổi để chụp những đôi mắt phụ nữ Lý Sơn, từ trẻ con đến người già. Trước khi ra về Hải đổ vào laptop của tôi một sơ ri ảnh mắt. Trời ạ, tôi đã lặng đi khi ngồi ngắm những bức ảnh chuyên về mắt ấy. Ngay bây giờ, những người đàn bà thành phố kiều diễm và tự tin, đầy đủ phương tiện hiện đại, nhưng nhiều lúc cũng còn hoang mang không biết chồng mình, con trai mình ra khỏi nhà là đi đâu, làm gì, chỉ đến khi các gã say lặc lè về đến nhà khai gì nghe nấy, nói gì đành tin nấy thì những người đàn bà Lý Sơn, đời này sang đời khác, trăm năm này sang trăm năm khác, khi chồng ra khơi là chỉ còn biết ngóng ra biển và chờ. Sự chờ đợi vẹt cát, khô nước mắt, mòn chân trời kia đã tích tụ vào những đôi mắt mà tôi đang ngắm đây. Mỗi chuyến ra biển vài ba tháng, mà sóng mà gió, mà bất trắc mà hiểm nguy, chiếc thuyền như những lá tre dập dềnh trên sóng, mạng người yếu thua cả con chuồn con trích, con cua con ghẹ, con hến con ngao. Ngờm ngợp bao la biển, đêm trên biển đặc quánh như xắn ra được, mà còn bão còn giông, còn sóng còn gió, bây giờ thì còn cả "tàu lạ, nước lạ"... tôi hỏi chục người thì cả chục người đều bảo đã ra biển là phó mặc cho trời, ổng cho thì sống, còn không thì chết. Đấy là những người đàn ông, họ ra biển và chủ động, kể cả cái quy ước thủy táng, quy ước bó nẹp tre, quy ước làm mộ chiêu hồn mà mọi người bây giờ hay gọi sai là mộ gió. Còn đàn bà, họ có gì, chỉ là sự chờ đợi, mà buổi chiều ở biển buồn lắm, mây nước cứ rực lên rồi xám xịt, mây đùn như thác phía mênh mông, từng đụn từng đụn. Còn đêm thì chỉ là  mình đối diện với mình, mình thắc thỏm với mình, hoang mang với mình, thon thót thon thót với bao nhiêu ám ảnh tưởng tượng... Cứ dõi mắt như thế độc thoại như thế, ngày này tháng khác, đời này đời khác, mẹ truyền sang con, những đôi mắt trở thành thẳm sâu thắc thỏm như chính lòng họ, nước mắt trong nước mắt, cô đơn trong cô đơn. Và vì thế nó đẹp, ẩn chứa trong ấy sự bao dung, dịu dàng, nhẫn nại và cả chở che tha thứ...




          Lý Sơn hiện nay là một huyện của tỉnh Quảng Ngãi tách ra từ huyện Bình Sơn với ba xã là An Hải, An Vĩnh và An Bình, trong đó An Bình hay còn gọi là đảo Bé là nơi khó khăn nhất. Đảo chỉ có 69 ha với 102 hộ, 499 nhân khẩu trong đăng ký chứ thực ra trung bình chỉ có khoảng 100 người trên đảo thường xuyên. Cát trắng, mênh mông cát trắng, nhưng nó không được thoải mái để sướng tầm mắt, mà nó được người dân, năm này qua năm khác, vần đá dưới biển lên, ngăn lại thành từng ô nhỏ để chắn gió mà trồng tỏi, nhiều thửa ruộng đá nhiều hơn cát và mồ hôi nhiều hơn đá.
          Từ trung tâm đảo lớn, chúng tôi thuê tàu sang xã An Bình, tức đảo Bé này. Đảo này sang đảo kia nhưng là giữa biển trùng khơi, mà lại ngược hướng gió sao đó mà từ đất liền ra đảo lớn dễ hơn rất nhiều lần từ đảo lớn sang đảo bé, thế nên nhiều lần ta nghe thông báo là Lý Sơn bị cô lập thì trước đó khá lâu đảo bé đã bị cô lập rồi.

          Khác với hai xã lớn hơn kia, xã đảo An Bình không có một giọt nước ngọt nào, tìm nhiều rồi nhưng không ra một nơi nào có nước, vậy nên hai cách duy nhất để có nước là xây rất nhiều bể, lu khổng lồ để hứng nước mưa vào mùa mưa, và mua nước từ những con tàu chuyên dụng với giá hai trăm nghìn một mét khối. Không có nước ngọt nên không thể chăn nuôi. Không thấy bóng dáng trâu bò lợn đã đành, mà gà vịt cũng không có. Động vật duy nhất chúng tôi gặp trên đảo là chó, trong đó có những con cực khôn như cặp chó nhà Bùi Huệ.
          Huệ cũng như mọi thanh niên khác trong làng, sinh sống bằng nghề lặn biển. Đảo bé là bãi ngang, tàu bè không đậu được nên dân không sắm thuyền đánh cá, chỉ lác đác có một ít cái thúng để dân đánh, câu cá nhỏ ven bờ. Sống giữa biển, tứ bề sóng vỗ, sóng dập vào tận sân, thậm chí trùm lên cả bàn thờ, cả nóc nhà mà lại không sắm thuyền đi biển được là một sự đau lòng và rất lạ. Nông dân biển mà không chăn nuôi và đi biển đánh cá thì quả là không tưởng tượng nổi. Nhưng đấy là sự thật phải chấp nhận. Thế là vài nhà trồng tỏi theo truyền thống bằng cách lấy đá chặn cát lại như kiểu ruộng bậc thang miền Tây bắc, và chỉ trồng vào mùa mưa vì không có nước tưới,  còn lại thì sang đảo lớn rồi theo thuyền đi lặn. Lặn biển là nghề 5 sống 5 chết khi thợ lặn không có đồ bảo hiểm phải xuống sâu đến năm bảy chục thước bắt hải sâm hoặc cá. Xuống đột ngột lên đột ngột đều khiến não thiếu ô xi hoặc bị sự thay đổi áp suất gây liệt tủy, có thể chết ngay tức khắc. Huệ không chết ngay tức khắc, nhưng anh liệt toàn bộ chi dưới. Từ một thanh niên khỏe mạnh giờ anh tàn phế ngồi một chỗ và di chuyển nhờ... xe chó kéo.

          Cặp chó này được huấn luyện cực khôn, suốt ngày quanh quẩn bên Huệ để đợi anh sai bảo. Chỉ cần thấy sợi xích là chúng hiểu sắp được đưa ông chủ đi... tuần đảo. Nhà thơ Thanh Thảo ví Huệ là anh lính biên phòng tuần đảo bằng xe chó kéo. Giờ Huệ sống với bố mẹ đã rất già, suốt ngày ngồi một chỗ nhìn ra biển khơi thăm thẳm ngay dưới sân nhà mình. Lúc nào có tàu bên đảo lớn sang, anh lại ngồi xe chó kéo ra bến để... nhìn người cho đỡ buồn. Không thể hình dung nổi nếu một mai bố mẹ khuất núi thì anh sẽ sống như thế nào? Nhà báo Mai Thanh Hải ngay lập tức đã có một quyết định là sẽ ủng hộ anh một cái xe lăn mua từ Hà Nội gửi vào, và cũng từ ý tưởng ấy, giám đốc sở nội vụ Quảng Ngãi Trần Văn Thanh đã cùng phó giám đốc sở y tế xin được hai xe lăn nữa ủng hộ hai người liệt ngoài đảo. Cuối cùng phát hiện ra còn một người đàn bà bị mù cũng cần xe lăn để con cháu đẩy đi, nhà thơ Thanh Thảo bằng uy tín của mình cũng xin được một xe nữa. Cái xe với những người tàn tật ấy là cả một giấc mơ, một gia sản. Họ đã gửi rất nhiều đơn xin nhưng chưa đến lượt, có thể vì còn nhiều người khó khăn hơn họ. Mới hay, chỉ chịu khó một chút chúng ta có thể giúp được rất nhiều người, mang lại niềm tin vào cuộc sống cho rất nhiều người. (tin mới nhất, trưa 22/7, Trần Văn Thanh đã mang 4 cái xe lăn ra tặng bà con đảo Bé).

          Đảo bé với vị trí và điều kiện như thế nên dân chủ yếu là nghèo, tuyệt đại bộ phận là hộ nghèo. Nhưng những người dân ở đây lại lãnh một sứ mạng vô cùng cao cả đối với Tổ quốc, đấy là họ chính là những người lính tiền tiêu ở vùng biển phên dậu giữa trùng khơi này. Nếu những người đàn ông đảo lớn tự hào là từ cách đây hàng trăm năm họ là những anh hùng trên những hải đội Hoàng Sa ra bảo vệ chủ quyền tổ quốc với chỉ những chiếc tàu gỗ mỏng manh, với chiếu, lạt và thẻ tre để khi hy sinh sẽ bó xác thả xuống biển, hàng nghìn người đã bỏ mình để giữ đảo cho Tổ Quốc hôm nay, thì những người đảo bé, dẫu mới chỉ khoảng hai đời từ đảo lớn sang đây khai phá, họ vẫn xứng đáng được Tổ quốc ghi công về công trạng giữ đất. Nên chăng nhà nước cần có chính sách trả lương cho họ, hoặc nuôi họ như nuôi những chiến sĩ biên phòng, những người lính tiền tiêu thực thụ. Nhìn những ô ruộng cát bằng cái chiếu quây bằng đá, rất nhiều đá, đá nhiều hơn cát, ô nọ tiếp ô kia nhọc nhằn và chịu đựng để giữ cát trồng tỏi, tôi hiểu họ không lười, không ỉ lại, không bó tay trước nghịch cảnh, nhưng sức người có hạn, rất nhiều ngôi nhà ở đây đang có hiện tượng bị sóng đánh chiếm. Họ ước ao có nước, có điện, có được đội thuyền để ra khơi đồng nghĩa với việc phải có bến đậu tàu. Nhưng họ nhỏ nhoi quá, chính quyền địa phương cũng nghèo quá, không giúp hết được họ, và cũng không thể vượt qua luật lệ, nên phải có một chính sách riêng cho xã đảo An Bình như chính sách cho các gia đình ở Trường Sa để cho đảo an bình được như cái tên của nó. Họ chưa biết có chương trình năng lượng mặt trời, chưa biết các nhà khoa học đã nghiên cứu ra cách lọc nước biển thành nước ngọt. Rất nhiều người dân ở đây, được sang đảo lớn đã là thiên đường chứ đừng nói đi tàu vượt biển vào thành phố Quảng Ngãi...

          Tôi về, đôi mắt của Huệ đăm đắm nhìn ra biển ám ảnh một thì cái nhìn của đôi vợ chồng già là bố mẹ Huệ ám ảnh tôi gấp mười lần, như cầu khẩn, như hy vọng, như níu giữ như đợi chờ một phép màu nào đó cho con của ông bà là chàng trai rất đẹp và lực lưỡng kia...
          Trên đời có phép màu không nhỉ, không chỉ cho Huệ, dân Lý Sơn cũng đang rất cần những phép màu để họ an tâm giữ đảo cho Tổ quốc...
                                                                   Pleiku ngày sinh nhật
                                                                             V.C.H

 

8 nhận xét:

mẹ mướp nói...

Hép bi bớt đê!

Mai Thanh Hải nói...

Bài viết xúc đọng quá bác ợ. Mấy ngày ở Lý Sơn, thấy bác cứ lặn lội vào từng nhà,đến từng ruộng hỏi chuyện bà con, quần soóc lụng thụng phi trên xe máy cà tàng lùng sục khắp đảo.. nói thật là mấy thằng trẻ bọn em cũng nể phục vô cùng. Có thế mới viết được những bài như thế này chứ!..

Lần sau có đi, vẫn tình nguyện làm phóng viên ảnh cho bác. He! He!

ngoc nói...

Cũng là thông tin mạng, nhưng được lấy trực tiếp từ thực tế chuyến đi nên cực kỳ chất lượng. Bài viết rất đáng đọc !

Văn Công Hùng nói...

@ mẹ mướp:
--------
Then cìu ve ri mớp...

Văn Công Hùng nói...

@ Mai Thanh Hải:
----------
Nhờ mấy cái ảnh mắt của chú bài này lên hương hẳn.
Quần sooc là bắt chước chú cho đủ bộ, hehe...

Văn Công Hùng nói...

@ Ngọc:
--------
Cám ơn bạn nhé.

Dao Tuan nói...

Nhìn đôi mắt em Phúc thế kia kiểu gì Văn tiên sinh chả quay lại. Lụi hụi, mò mẫm, vòng đi vòng lại cuối cùng chắc cũng chỉ để nói đôi mắt đó thôi nhỉ!

Văn Công Hùng nói...

@ Đào Tuấn:
---------
Chú cứ làm như anh... giống chú?
Từ hôm ấy đến giờ anh vẫn chưa hoàn hồn, huhu...