Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2011

VỤ ĐẠO VĂN, ÔNG NGUYỄN LIÊN LÊN TIẾNG

Ông Nguyễn Liên nguyên là cán bộ Hội Văn học Nghệ thuật Đăk Nông, sau đại hội vừa rồi ông đã phải đi khỏi hội về lại Đăk Lăk nơi ông ở trước khi chia tỉnh. Ông là người tường nhiều việc xung quanh vụ này và gửi cho VanVn.net và chúng tôi bài này. Sáng nay tôi đi dự cuộc ra mắt của văn phòng thường trú báo Lao Động tại Gia Lai, gặp mấy PV báo LĐ ở Đăk Lăk và Đăk Nông, họ bảo đều đang theo dõi vụ này. Thêm nữa, chị Phong Lan của Website hội Nhà Văn phàn nàn với tôi: Gọi cho mấy người có trách nhiệm ở hội VHNT Đăk Nông thì người bảo... lộn máy, người bảo tôi đang đi ngoài đường, cô nói gì tôi nghe không rõ rồi... tắt máy, hihi, vui quá...

Sau bài này tôi sẽ công bố bài viết của tôi cho báo Văn Nghệ, và sau đó là... chờ Đăk Nông giải quyết...


 NGUYÊN NHÂN VÀ TRÁCH NHIỆM
THUỘC VỀ AI

Sau khi dư luận xôn xao về chuyện cô Lê Thuỷ sử dụng truyện của người khác thay tên mình, tôi có gọi điện cho Lê Thuỷ, lúc ấy cô buồn lắm nói rằng “Truyện của em viết trước, còn tác giả kia viết sau”. Tôi cũng hy vọng là Thuỷ không có chuyện ấy. Nhớ lại cái ngày Hội Văn học Nghệ thuật phát động cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật để phát triển hội viên, tôi tự hào vì vùng đất mới Dak Nông có một cây bút văn xuôi cứng cáp như vậy (lúc đó tôi là chi hội trưởng văn học). Chẳng lẽ chuyện lại có thật đang xảy ra với Lê Thuỷ hiện đang là trưởng ban biên tập Tạp chí văn nghệ Nâm Nung. Tôi vô cùng bàng hoàng cầm trong tay các bản truyện ngắn đối chứng giữa hai tác giả một nội dung. Đó là truyện ngắn Bóng Kơ-nia đổ dài đăng trên Tạp chí Nâm Nung số tháng 8 năm 2008 của Lê Thuỷ lại giống từ đầu đến chân truyện ngắn cùng tên của tác giả Dương Bình Nguyên trên Việt-Nam thư quán.Net đến thế (để nguyên cả tít lẫn nội dung). Không những vậy, số tháng 10 năm 2008 truyện ngắn Miền huyền thoại của tác giả Lê Thuỷ, lại tiếp tục “trùng” nội dung truyện ngắn Miền đất hoa vàng cũng của tác giả Dương Bình Nguyên. Trên tạp chí Văn nghệ quân đội số tháng 6/ 2006 đăng truyện ngắn dự thi của Hoài Hương với tựa đề Trong tim tôi có một vị tướng lại cũng chuyến thành truyện ngắn của Lê Thuỷ đăng trên tạp chí Nâm Nung số 59 tháng 4/ 2010; nội dung không thừa một chữ, chỉ có cái tít khác đi Một lần và mãi mãi. Truyện ngắn Vết chân ngựa trên đường mòn của tác giả Đỗ Bích Thuý chuyển sang tạp chí Nâm Nung số tháng 10/ 2010 thành Vết chân trên đường mòn của Lê Thuỷ. Theo phán đoán của nhiều người thì con số tác phẩm “trùng nội dung” đó có thể chưa dừng lại ở con số ấy.
 
Anh Lê Thắng, phóng viên Đài Phát thanh truyền hình Dak Lak là người khiêm tốn, gặp tôi anh liền cởi mở tâm trạng: “Trước đây có lần đọc tạp chí Nâm Nung tôi rất thích truyện ngắn Bóng Kơ-nia đổ dài và mến phục tài năng tác giả nữ này. Một lần tôi có bài viết liên quan đến cây Kơ-nia mới tìm trên mạng thì gặp Bóng Kơ-nia đổ dài nhưng lại là truyện ngắn của tác giả Dương Bình Nguyên. Không hiểu thực hư tôi đã viết thư gửi xuống Dak Nông, được Ban Tuyên giáo có công văn trả lời, còn Hội Văn học Nghệ thuật và tạp chí vẫn im lặng…”. Làm sao lại có sự im lặng này? Đã không ít người đặt câu hỏi về phía trách nhiệm của lãnh đạo Hội VHNT và tạp chí, người chịu trách nhiệm chính trong sự việc này. 

Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên hơn đó là sự phản ứng của đồng chí Chủ tịch Hội Văn nghệ Dak Nông khi cầm lá thư của một độc giả tên Thắng gửi tới, đồng chí cho rằng đây là một âm mưu bôi nhọ danh dự cô Thuỷ cũng như của Hội. Vì lẽ đó, tôi đành phải truy xét làm rõ thực hư. Thật đau lòng khi tôi có thêm trong tay số liệu đối chứng khác do người có trách nhiệm ở Hội cung cấp. Đó là truyện ngắn Tiếng gọi lưng chừng dốc của Phạm Duy Nghĩa, trở thành Tôi gọi tôi lưng chừng dốc của Lê Thuỷ in Nâm Nung và hỗ trợ sáng tạo.Mùa hoa Pơ lang cuối cùng của Hoàng Thanh Hương trong tập truyện Lạc giữa lòng Mường trở thành Mùa hoa pơ lang rực đỏ của Lê Thuỷ (trong tập xét hỗ trợ sáng tạo 2010). Người đàn bà đập áo trên sông Ba của Dương Bình Nguyên trở thành Những người đàn bà đập áo trên sông Se-rê-pok của Lê Thuỷ (hỗ trợ sáng tạo 2008). Ở nơi rừng thẳm của Đỗ Tiến Thuỵ, được cóp từng đoạn lắp ghép thành Dướii bóng cây Kơ nia của Lê Thuỷ.

Chuyện trộm cắp ai cũng căm ghét, bởi đó là mồ hôi công sức của mình bị người khác ngang nhiên “nẫng” đi không xót sao được. Việc ăn trộm sản phẩm trí tuệ còn tệ hại hơn. Tôi lại gọi điện cho Lê Thuỷ và Lê Thuỷ nói với tôi: “Em mệt mỏi lắm anh à, những truyện ấy là của em viết, em không biết những tác giả kia là ai, còn ai muốn nói thế nào cũng được!” Vậy là Thuỷ không có chuyện đạo văn, Tôi gặp đồng chí Hoàng Văn Vân, Phó Ban Thường trực Ban Tuyên giáo, đồng chí cho biết Ban đã nhận được thư phản ánh của độc giả Thắng và đã có công văn trả lời. Còn chưa thấy có tác giả nào gửi đơn thư khiếu nại, nếu có chúng tôi sẽ xử lý…”. Như vậy Ban Tuyên giáo đã làm đúng chức trách của mình. Tôi liền chuyển thông tin này cho báo điện tử Hội Nhà văn.

Sau khi báo điện tử Hội Nhà văn đưa tin, tác giả Hoài Hương đã kêu ai oán trên mạng, nhiều độc giả quan tâm vô cùng căm phẫn đã có lời bình: “Tác giả nữ này nghĩ rằng mình ở vùng cao, ít ai đọc tạp chí của họ nên tác giả thoải mái lấy truyện của người khác “chế biến” qua loa hoặc chả cần gia công gì thêm cứ đem đăng…” Với những chứng cớ thế này tôi không thể biện minh cho cây bút tôi từng ngưỡng mộ. Nhưng lương tâm của người sáng tác ai không nhận biết được giá trị đứa con tinh thần của nhà văn đã phải “mang nặng đẻ đau” bị người khác ngồi mát nhận con mình.

Có thể không ai đọc và biết hết những tác phẩm của các nhà văn trong nước, nhưng ít nhất những nhà văn nổi tiếng và tác phẩm hay thường được người ta quan tâm. lãnh đạo Hội VHNT tỉnh Dak Nông, Tổng biên tập tạp chí Nâm Nung cũng như Chủ tịch hội đồng nghệ thuật của Quỹ hỗ trợ sáng tạo hàng năm liệu có biết tới các nhà văn trong số tác giả từng có tác phẩm được cô Lê Thuỷ thay tên in trên tạp chí?!

Sự việc được dư luận lên án người đạo văn, nhưng với người tiếp tay liệu có chịu trách nhiệm? Câu hỏi dư luận công chúng đặt ra đang chờ đợi trả lời từ các cơ quan chức năng.

Nguyễn Liên
-------------
Xem thêm Ở ĐÂY

6 nhận xét:

Dong nói...

Thôi được rồi, chuyện "đạo" là có, chuyện vay thì phải trả.
Duy một chuyện anh Hùng phải sửa lại cái tít, chứ ông Nguyễn Liên có phải là một nhân vật có quyền phán xử, hoặc là một người trong cuộc, có quyền lợi liên quan, hoặc là một người độc giả trông đợi nhân vật bày tỏ quan điểm đâu mà anh Hùng "giật" : "Ông Nguyễn Liên lên tiếng"
Phải không ạ ?

Nặc danh nói...

CHUYỆN LÙM XÙM Ở HVHNT DAK NONG

Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Nông được thành lập từ táng 10 năm 2004, mới đầu chỉ có 18 hội viên và ban vận động. Theo phân công, ông Lê Tiến Dị được làm phó chủ tịch, ông Hoàng Văn Vân phó Ban tuyên giáo kiêm chủ tịch Hội. Nói là chủ tịch nhưng thi thoảng mới đến Hội, còn mọi việc điều hành trong cơ quan đều do ông Dị đảm nhiệm. Được phân công làm phó chủ tịch kiêm chủ tài khoản, ông Dị mới có dịp tự tung, tự tác. Qua 5 năm đảm nhiệm chức vụ, ông đã lấy tiền tài trợ cho hội viên làm những việc bất chính gần cả trăm triệu nên 4 lần bị kỷ luật, thế mà vẫn thoát được tội là do bề trên che chở. Nội bộ Hội VHNT thời gian đó mất đoàn kết trầm trọng, tự bản thân ông và xúi dục người này, người khác viết đơn tố cáo cán bộ trong Hội. Trong đó có cả ông Hoàng Văn Vân. Trước tình hình đó, Ban tuyên giáo và lãnh đạo tỉnh không tìm ra người về thay ông Vân nên động viên ông Khúc Ngọc Vĩnh phó bí thư Đảng ủy khối về làm lãnh đạo sau đại hội lần thứ nhất.
Là người ngoại đạo, do làm công tác Đảng lâu năm mang tính đặc thù; nên xử lý trong công việc không được mềm dẻo như những lãnh đạo có chút văn chương. Ấy thế mà, qua 3 năm đảm nhiệm chức vụ ông đã sớm hòa nhập được với giới văn nghệ sĩ và làm cho Hội ngày càng vững bước đi lên. Với thành tích của Hội có được như ngày hôm nay cũng nhờ có công lớn của ông Vĩnh. Nhưng dù có làm được việc; ông Vĩnh cũng bị nhà thơ Hoàng Quý, chính là ông L. phản ánh và viết hàng loạt thư nặc danh chỉ trích ông Vĩnh và một số cán bộ trong Hội. Làm cho nội bộ cơ quan Hội đã 7 năm nay vẫn không thoát ra được cái vòng luẩn quẩn.
Đến năm 2012 Hội VHNT tỉnh Đắk Nông sẽ đại hội lần thứ II, việc kiếm nhân sự để thay thế lớp già đến tuổi về hưu là cả một vấn đề. Ngay như chức Tổng biên tập Tạp chí Nâm Nung, ông Lê Tiến Dị trước đây không được ai bổ nhiệm đã tự ngộ nhận nay lòi ra là ông ta chưa có bằng cấp gì, trình độ học vấn chưa hết phổ thông nên sau khi đổi giấy phép hoạt động ông Dị không đủ tư cách làm Tổng biên tập nữa, cơ quan Hội làm tờ trình ra Bộ xin cấy giấy phép hoạt động không ghi ai làm Tổng biên tập, chỉ ghi tên ông Khúc Ngọc Vĩnh chịu trách nhiệm xuất bản. Nhưng khi nhận giấy phép về có ghi chức danh ông Vĩnh là Tổng biên tập. Từ đó đến nay Hội đã nhiều lần báo cáo với Ban tuyên giáo và Tổ chức Tỉnh ủy, đề xuất xin người về làm Tổng biên tập nhưng không ai chịu nên tạm thời để vậy hoạt động, chờ đại hội sẽ kiếm người thay.
Chuyện “Đạo văn của cô Lệ Thủy, cô biết sai và đã xin lỗi các nhà văn, xin lỗi lãnh đạo cũng như anh em trong cơ quan Hội. Chấp nhận cái án kỷ luật khiển trách, thu hồi toàn bộ số tiền nhận từ quỹ hỗ trợ sáng tác của các năm có bài vi phạn, thôi giữ chức trưởng ban biên tập. Nếu sau này có nhà văn nào khiếu nại có văn bản về Hội, hoặc kiện ra tòa thì sẽ có mức kỷ luật cao hơn như vậy cũng đủ răn đe cho giới trẻ rồi. Thôi thì “đánh kẻ chạy đi, ai đánh người chạy lại”. Trong việc này người phải chịu trách nhiệm đầu tiên là ông Lê Tiến Dị và ông chi hội trưởng, kiêm thư ký tòa soạn, biên tập viên Nguyễn Liên. Do hai ông này không biết các tác phẩm của cô Thủy lấy từ nguồn nào, chỉ biết hay là đưa vào đăng tạp chí và chấm cho loại A xét hỗ trợ; ấy thế mà còn tấm tắc khen hay và rất vinh hạnh như chính mình đã phát hiện ra được cây viết trẻ ở chốn “khỉ ho” (hai ông này đều nằm trong hội đồng thẩm định tác phẩm, ông Dị còn là phó chủ tịch Hội đồng). Bây giờ chuyện vỡ lỡ ra rồi các ông này lại “to mồm” chửi bới. Đỗ lỗi hết người này đến người khác. Thật không thấy xấu hổ chút nào.

Y Tâm nói...

Việc đạo văn của cô Lê Thủy được dư luận lên án, nhưng người tiếp tay liệu có chịu trách nhiệm? câu hỏi dư luận công chúng đặt ra đang chờ đợi trả lời từ các cơ quan chức năng.
Thật đúng như vậy? Vừa qua ông Lê Tiến Dị đã viết bản kiểm điểm về trách nhiệm trong công tác quản lý. Theo ông Dị phó chủ tịch Hội VHNT tỉnh Đắk Nông, Tổng biên tập tạp chí Nâm Nung từ năm 2005 đến 2010, chủ tịch hội đồng xét quỹ hỗ trợ sáng tác từ năm 2005 đến 2007, phó chủ tịch hội đồng từ năm 2008 đến nay, là người có kinh nghiệm lâu năm trong quản lý Hội văn học nghệ thuật và là người tham mưu cho chủ tịch và tổng biên tập hiện nay. Để cho vụ “đạo văn” của cô Lệ Thủy kéo dài trong thời gian qua mà bản thân ông không biết là do quá tin tưởng vào tác giả và người giúp việc cho ông là ông Nguyễn Liên. Chi hội trưởng, chi hội văn học, thư ký tòa soạn, biên tập viên, nằm trong hội đồng xét tác phẩm (ông Liên cơ quan Hội mới cho nghỉ việc từ năm 2009).
Ngay từ khi cô Lệ Thủy gửi bài đầu tiên để đăng tạp chí, hai ông Liên và Dị thấy tác giả viết tốt và đã hết lời khen, đưa bài vào đăng tạp chí và xét loại A quỹ hỗ trợ sáng tác. Không hề hay biết cô Lệ Thủy lấy bài từ nguồn nào. Sau khi có người phát hiện ra cô Thủy “đạo văn” người khác. Ông Nguyễn Liên mới “bù lu, bù loa” lên. Không khác gì, “gậy ông, lại đập” lưng ông.
Cũng theo lời ông Dị sự đạo văn của cô Lệ Thủy, ông nhận thấy rằng: trước hết trách nhiệm thuộc về Tổng biên tập, đã không sâu sát, trách nhiệm chưa cao trong việc quản lý, quá tin tưởng vào ông Liên và bộ phận biên tập thuộc mình phụ trách và ông đã nhận khuyết điểm đối với sự việc này.
Trong bản kiểm điểm ông đã nhấn mạnh. Sự việc “đạo văn” của cô Thủy là rất nghiêm trọng. Tôi là người phụ trách trong thời gian này phải chịu trách nhiệm, nhưng do quá tin tưởng vào tác giả và để kéo dài như vừa qua cũng là khách quan là chủ yếu. Vì thế tôi đề nghị được rút kinh nghiệm, không áp dụng hình thức kỷ luật.

Y khuot nói...

Chuyên bây giờ mới kể

Hội văn học Nghệ thuật Đắk Nông rất mất trật tự, kể từ khi Nguyên Liên, Lê Tiến Dị tung hoành một thời ra mặt iêng hùng. Vỗ ngực xưng hùng, xưng bá đây ta là nhà báo, nhà thơ, nhà văn để lừa bịp lãnh đạo tỉnh. Làm cho nội tình của Hội VHNT Đắk Nông lùng xùng, mất trật tự.
Do Nguyễn Liên ăn cắp bài viết trong tập 54 dân tộc anh em in trên tạp chí Nâm Nung lấy tiền nhuận bút. Ông Vì Lập Công hội viên biết được la lên um sùm, nhưng thói nào tật nấy; vì Nguyễn Liên là tay bịp bợm, chuyên xoi mói mọi người, tham mưu cho ông Lê Tiến Dị phó chủ tịch kiêm Tổng biên tập ăn quỵt 29 triệu tiền nhuận bút của các tác giả trong cả nước từ số tháng 6 đến tháng 12 năm 2009. Lấy 20 triệu tiền hỗ trợ mở lớp nhiếp ảnh của Liên hiệp nuốt luôn…. Ngoài ông Liên bị kỷ luật chạy từ Thanh Hóa vào không nói, còn ông Dị 5 năm xuống Đắk nông đã qua 4 lần kỷ luật, coi như “người phá kỷ lục về hành vi vi phạm”. Nói cho cùng nghĩ cũng thương ông, người thì bé nhưng bị khoác chiếc áo rộng quá, học hành chưa hết cấp ba, nhưng cũng đua đòi làm quan. Tuổi tác đã cao nhưng vẫn thích đi qua nhiều “vùng cỏ non” thế mới chạy nhặng lên về vụ khai man tuổi. Chính thức đẻ năm 1948, qua luân chuyển 4 cơ quan đã khai lại được sinh năm 1952. Thế mới biết cái tài bịp bợm của 2 ông này, chính vì khai gian lận tuổi mà cán bộ UBND xã Hoằng Hóa, Thanh Hóa bị kỷ luật oan. “Đã không được ông lại hại đến người”. Bây giờ mới rõ mặt anh hùng, phải cúi đầu xin trước chi bộ cho để năm sinh 1950. Trước đây xưng bá xưng hùng, nay phải về hưu xẹp như con gián.
Thế mới có thơ rằng:
Dị, Liên quê ở xứ Thanh
Học hành thì ít, gian manh thì nhiều
Thế mà lại không biết điều
Xoi móc người khác, để nhiều điều ngu.

chinh tam nói...

Nhà báo Hoàng Thiên Nga Mất cái gì? Trong vụ đạo văn

Vụ đạo văn của Lệ Thủy Hội văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Nông (VHNT) có kéo dài “Chậm mà chắc” vì tính đạo đức và lòng vị tha của người Việt Nam. Đây là một vụ đạo văn, nói cho cùng chỉ là mang tính bồng bột, muốn háo danh của giới trẻ bây giờ, có vi phạm chút đạo đức nghề nghiệp mà thôi, chứ không phải là một kẻ sát nhân, cướp của, giết người, ăn hối lộ, ăn vô đạo đức như những kẻ bất nhân…Trước đây ông cha ta đã từng trải chiếu hoa tiễn đưa những kẻ thù bại trận về nước. Ngày nay, khi loài người đã tiến hóa hoàn hảo, chúng ta nên xử sự với nhau mang tính con người, thì dễ thuyết phục. Không nên chỉ trích nói nhau nặng lời mang tính hận thù.
Là một Nhà thơ, Nhà văn, Nhà báo như Hoàng Thiên Nga để cho người khác mượn mình làm lá chắn, nói lên những điều không phải làm cho nội bộ cơ quan Hội VHNT Đắk Nông ngày càng rối ren, vừa ảnh hưởng đến phong trào Hội, vừa ảnh hưởng đến Ban tuyên giáo vì có những lời lẽ chỉ trích bao che. Nương nhẹ kỹ luật của Lệ Thủy, trong lúc đang có sự chỉ đạo của cấp trên làm sáng tỏ vụ việc, nhưng phải đúng người đúng tội mới răn đe được người khác. Hoàng Thiên Nga mất cái gì? Mà lúc nào cũng nhảy xổm vào nội bộ của người ta đến thế. Như người đời thường nói: Trước khi nói phải uốn lượi bảy lần. Nói đúng, nói chắc, nói thấu tình, đạt lý thì người vi phạm họ dễ tiếp tiếp thu và còn cảm ơn. Đằng này “biết rồi nói mãi” thì chẳng có tác dụng gì đâu, mà mạng họa vào thân.
Qua bài viết của Hoàng Thiên Nga đăng trên Tiền Phong Chủ nhật 3-7 vừa qua. Chuyện đạo văn của Lệ Thủy thì đã rõ. Theo dư luận của công chúng: Nhà báo Hoàng Thiên Nga mất cái gì? Trong vụ này. Hay là cô Thủy như một vật “hy sinh” để ruồi nhặng theo mãi.
Trong bài viết có đề cập đến một nhà văn bảo chẳng biết nên cười hay nên khóc trước bản kiểm điểm kỳ dị hiếm có của Lệ Thủy trước cấp trên. Hoàng Thiên Nga là một người mang trong mình nhiều nhà mà để cho kẻ khác lừa dối đến nỗi một cách kỳ dị như vậy mà không biết? Để rồi, mang lên trước mặt công chúng một bản kiểm điểm lắp ghép kỳ dị cho người đời chê bai: Lệ Thủy đạo văn, còn Hoàng Thiên Nga thì đạo bản kiểm điểm? Thử xem lại việc lắp ghép bản kiểm điểm như Thiên Nga đã đưa ra trước công chúng có chính xác không mà cứ đi chỉ trích người khác thì thực nực cười quá đấy? Nguyên 2 trang đầu là một bản kiểm điểm mang tính chất tham khảo nội bộ được Lệ Thủy đưa cho 3 lãnh đạo góp ý, ông Dị, ông Vĩnh và ông Hùng, sau 2 ngày Lệ Thủy thu lại. Còn trang 3 mới là bản kiểm điểm chính thức có ký tên. Như vậy dư luận cho rằng việc cung cấp và tiết lộ thông tin nội bộ của cơ quan khi thủ trưởng cơ quan chưa cho phép, là ai? Hay Hoàng Thiên Nga có phép dẫn đến sai phạm về luật báo chí, về sự chính xác của một nhà báo có được coi là tai họa nghề nghiệp, về đạo đức của người làm báo không? Chưa kể những thông tin trong bài viết có nhiều điểm sai lệch. Vậy mục đích của Thiên Nga tung ra bài báo nói trên với mục đích gì?
Cho dù ai cung cấp, mà nội dung đưa lên sai sự thật là người viết phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Chú thích: Trang 2 về chức trưởng… không liền mạch với trang 3…xét, thấy…. Nguyên văn của bản kiểm điểm (mang tính tham khảo)…“Về chức trưởng Ban Biên tập tôi được đồng chí Khúc Ngọc Vĩnh – Tổng Biên tập phân công trong Ban biên tập vào tháng 8/2010 chứ không có quyết định bổ nhiệm, vậy nhưng nhiều người nhầm tưởng với chức Trưởng Ban biên tập tôi được hưởng phụ cấp chức vụ”…
CHINH TÂM

Hai cu neo nói...

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐẮK NÔNG

NHỮNG HẬN THÙ VẪN CÒN ĐEO BÁM

Chuyện lùm xùm ở Hội VHNT tỉnh Đắk Nông theo kiểu “đá banh” thế này chắc vẫn còn tiếp diễn, không biết đến lúc nào mới chấm dứt. Do sự cay cú của một số nhân vật trong nội bộ cơ quan Hội không thiện chí dừng lại, đã nhờ cậy hết người này đến người khác thực hiện ý đồ mong muốn của mình. Những câu chuyện qua lại, cũng nhằm mục đích, lấy cô Thủy để đánh ông Vĩnh, mà ông Vĩnh được cấp trên điều về chứ có tranh chức, tranh quyền ai đâu?

Trong bài viết của Nhà báo Hoàng Thiên Nga nói về sự “cất nhắc lên vị trí trưởng ban biên tập tạp chí Nâm Nung” suy cho cùng thì vị trí trưởng ban biên tập tạp chí không lấy gì to lớn; vì cô Thủy từ khi chưa phát hiện ra vụ đạo văn, những bài viết của Thủy đã được nhiều người khen hay trong đó có ông Tổng biên tập Lê Tiến Dị, ông Tô Đình Tuấn, ông Nguyễn Liên chi hội trưởng, thư ký tòa soạn và một số thành viên trong ban chấp hành cũng như bạn đọc gần xa. Sự “cất nhắc” cô Thủy lên làm trưởng Ban biên tập là hợp lý và trước thời gian có đơn thư của anh Lê Thăng.

Theo Nhà báo Hoàng Thiên Nga “căn cứ Luật khiếu nại, tố cáo thời hạn Chủ tịch Hội Khúc Ngọc Vĩnh phải hồi âm là đúng. Nhưng xin thưa rằng: anh Lê Thăng có gửi thư nhưng không gửi cho ông Chủ tịch Vĩnh, không gửi cho Ban biên tập mà chỉ gửi cho ông Tổng biên tập Lê Tiến Dị, mà trong thời gian này ông Lê Tiến Dị không còn làm Tổng biên tập và không phụ trách tạp chí. Thì việc đơn thư gửi cho cá nhân, tổ chức không xem xét và không trả lời là đúng với Luật khiếu nại tố cáo. Hơn nữa ông Lê Thắng không phải là tác giả của những bài viết bị cô Thủy đạo, nên Ban tuyên giáo, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật không trả lời thay ông Dị. Điều này Nhà báo Hoàng Thiên Nga viết phản hồi là thiếu chính xác. Trong bài phản hồi Thiên Nga lấy từ “cất nhắc” để chỉ trích ai? …“Chẳng hạn như một người từng tự nhận không có bằng cấp chuyên môn nào, vẫn được tổ chức quyết cho lên ghế Chủ tịch Hội không do Đại hội bầu, sau đó kiêm luôn Tổng Biên tập”. Đây là sự đề bạt của tổ chức ở một tỉnh mới thành lập còn thiếu người, khi Thiên Nga lên tiếng đưa vụ việc nội bộ vào là lợi dụng báo chí để chỉ trích Ban tổ chức, lãnh đạo tỉnh, Ban tuyên giáo Đắk Nông không biết dùng người. Việc này không nằm trong vụ đạo văn của Lệ Thủy cần phải xem xét lại tư cách của người làm báo chân chính.

Trong bài viết Hoàng Thiên Nga có đề cập đến một nhà văn bảo chẳng biết nên cười hay nên khóc trước bản kiểm điểm kỳ dị hiếm có của Lệ Thủy trước cấp trên. Hoàng Thiên Nga là một người mang trong mình nhiều nhà mà đưa lên báo chí một bản kiểm điểm sao chụp lại kỳ dị như vậy để cho người ta cười là đúng? Nhiều người cho rằng Lệ Thủy đạo văn, còn Hoàng Thiên Nga thì đạo bản kiểm điểm? Thử xem lại việc lắp ghép bản kiểm điểm như Thiên Nga đã đưa ra trước công chúng có chính xác không mà cứ đi chỉ trích người khác?

Vậy mục đích của Thiên Nga tung ra bản kiểm điểm sai trên báo với mục đích gì? trong khi bản kiểm điểm của Lệ Thủy, trang 2 về chức trưởng… không liền mạch với trang 3…xét, thấy…. Nguyên văn của bản kiểm điểm…“Về chức trưởng Ban Biên tập tôi được đồng chí Khúc Ngọc Vĩnh – Tổng Biên tập phân công trong Ban biên tập vào tháng 8/2010 chứ không có quyết định bổ nhiệm, vậy nhưng nhiều người nhầm tưởng với chức Trưởng Ban biên tập tôi được hưởng phụ cấp chức vụ”…

Cho dù ai cung cấp, mà nội dung đưa lên sai sự thật là người đưa thông tin phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

HAI CÙ NÈO